Ba Tri mang một vẻ đẹp diụ dàng, e ấp với những xóm làng bình yên, nên thơ và những con người chân chất, nghĩa tình. Vùng đất "địa linh nhân kiệt" Ba Tri có nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận, một vườn chim Vàm Hồ với sự đa dạng sinh học cao, cùng với những làng nghề truyền thống nổi tiếng và tiềm năng du lịch biển. Trong những năm gần đây, Ba Tri đã dần định hình phát triển sản phẩm du lịch một cách hoàn chỉnh, đã xác định được hướng đi đúng cho riêng mình.
Văn hóa vùng đất Ba Tri luôn chảy mãi và vận động không ngừng để phát triển trong suốt chiều dài của lịch sử Bến Tre anh hùng. Nhà thơ Nguyển Đình Chiểu không phải là người được sinh ra tại Ba Tri nhưng cuối đời Cụ Đồ lại chọn mảnh đất An Đức (Ba Tri) làm nơi dạy học, bốc thuốc cho dân và là nơi sáng tác những án văn thơ bất hủ mà đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị:
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
(Dương Từ Hà Mậu - Nguyễn Đình Chiểu)
Vì thế mà di tích Nguyễn Đình Chiểu được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, hơn thế nữa, Bến Tre lấy ngày sinh Cụ Đồ 01/7 hàng năm làm ngày Lễ hội Văn hóa tỉnh Bến Tre. Phải chăng mảnh đất này là nơi “Hội ngộ của danh nhân”? Chính nơi đây đã làm nên những trang sử chói lọi cho lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và lịch sử Bến Tre nói riêng, để Bến Tre được khắp nơi biết đến là tỉnh có truyền thống anh hùng, đi lên từ trong gian khổ, với tinh thần “quật khởi” không chỉ trong đấu tranh mà kể cả trong xây dựng và phát triển quê hương. Theo góc nhìn từ du lịch, thì hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử không phô trương ồn ào, náo nhiệt như các điểm du lịch trải nghiệm sinh thái sông nước, nhưng đó là nơi giáo dục truyền thống văn hóa sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Ông Trần Ngọc Tam - Phó Bí thư Tỉnh Ủy phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch huyện Ba Tri ngày 02/7/2017 - Ba Tri phát triển du lịch cần gắn với truyền thống Văn hóa tại địa phương. (Ảnh: Lê Luông)
Những di tích văn hóa - lịch sử là những sản phẩm du lịch nghiên cứu, du lịch về nguồn tại Ba Tri. Lợi thế để phát triển và định dạng được sản phẩm du lịch trong tương lai (phát triển du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp du lịch biển và tham quan làng nghề truyền thống). Tiềm năng du lịch Ba Tri đã đã được thiên nhiên, tạo hóa và lịch sử ban tặng; tính cấp thiết bây giờ là làm sao để xây dựng một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, phát triển du lịch đi đúng hướng. Đó là những việc làm cần đặt ra để có sự nhận thức đúng đắn về phát triển du lịch từ các nhà quản lý, nhà làm du lịch, đặc biệt là nhận thức của người dân để du lịch cộng đồng phát triển một cách bền vững.
Bài toán đặt ra cần có lời giải đáp. Ba Tri cần có sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng, các doanh nghiệp làm du lịch với "cái tâm và cái tầm” đúng nghĩa theo phương châm: “Lấy du lịch tạo lập bản sắc văn hóa riêng, lấy du lịch làm môi trường giao tiếp nhằm tạo niềm tin và sự thiện cảm với khách” bằng những chủ đề và câu khẩu hiệu mang đậm bản sắc Ba Tri: “Nụ cười Ba Tri”; hay “ Ba Tri - vùng đất lan tỏa bản sắc văn hóa”. Muốn làm nên thương hiệu, vấn đề đặt ra là: Xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, phát triển điểm đến du lịch chất lượng, nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về phát triển du lịch và những hiệu quả mà du lịch mang lại; xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh du lịch Ba Tri đến gần hơn với du khách, thực hiện đề án phát triển du lịch theo Nghị quyết phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện, xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang lại hiệu quả hưởng lợi cho cả cộng đồng.
Ba Tri hiện có 04 di tích cấp quốc gia và 06 di tích cấp tỉnh được công nhận, trong đó di tích Khu mộ và đền thờ Nguyễn Đình Chiểu là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là tiền đề quan trọng cho việc tu bổ, giữ gìn và đầu tư mở rộng các khu di tích để đạt chuẩn là nơi sinh hoạt văn hóa, nơi du khách tham quan học tập, nghiên cứu. Lễ hội truyền thống văn hóa 01/7 hàng năm được tổ chức hoành tráng, trang nghiêm với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh tham dự với nhiều hoạt động như: Dâng hương cụ Đồ, hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, cuộc thi mâm cơm ngày giỗ, mâm xôi ngày hội, các trò chơi dân gian, ... Tất cả thể hiện lòng tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những bật tiền nhân.
Từ trái sang, Ông Nguyễn Văn Lai - Bí thư Huyện Ủy huyện Ba Tri, Ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt "Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu" của Thủ tướng Chính Phủ. (Ảnh: Lê Luông)
Di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc nghệ thuật Đình Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) với các giá trị về kiến trúc nghệ thuật đình chùa tiêu biểu của Nam Bộ, đình thờ Thành hoàng bổn cảnh được vua Tự Đức sắc phong năm 1851. Đình Phú Lễ có quy mô lớn và đẹp vào bậc nhất của các làng quê ven biển Bến Tre. Đình nằm trong khuôn viên rộng, dưới bóng mát của nhiều cây cổ thụ làm tôn lên vẻ uy nghiêm trầm mặc vốn có của đình. Qua thời gian và chiến tranh các công trình và hiện vật bài trí bên trong đình như hương án, hoành phi, cuốn thư, bình phong … đã bị xuống cấp và hư hỏng nhiều, cần phục chế. Tuy nhiên, những phần cơ bản về kiến trúc vẫn còn nguyên không bị bom đạn tàn phá, đặc biệt những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ sơn son, thếp vàng còn lưu giữ được đến hôm nay. Ngày 07/1/1993, đình Phú Lễ được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Hàng năm, lễ hội tại đình Phú Lễ diễn ra hai lần: Lễ kỳ yên vào 18-19 tháng 3 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa và lễ Cầu bông vào ngày 9 -10 tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, lễ tế Thành Hoàng, tế Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ. Đêm hội có hát bội và ca nhạc tài tử. Ðây là lễ hội mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước, thu hút hàng nghìn người dân tham gia cầu cho “Quốc thái dân an”, là nơi sinh hoạt hội hè cho người dân Ba Tri.
Loại hình nghệ thuật hát sắc bùa Phú Lễ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc bảo tồn di sản văn hóa này hết sức khó khăn, hiện nay hát sắc bùa Phú Lễ đã được Hội di sản tỉnh phối hợp cùng UBND xã Phú Lễ đào tạo các thế hệ kế cận giữ gìn và phát triển loại hình hát sắc bùa. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian có ý nghĩa và giá trị cao, phản ảnh chân thật về cuộc sống và bản chất văn hóa của cư dân nơi vùng đất này, cũng là loại hình văn hóa đưa vào phục vụ khách tại các điểm tham quan.
Cũng tại Phú Lễ, nơi đây còn có làng nghề đan đát và nấu rượu của người dân từ bao đời nay, là nơi hội tụ của tinh túy đất trời với một loại rượu từ xa xưa đã nổi tiếng khắp vùng được xem là quốc tửu, tặng phẩm dùng để tiến Vua, được dùng trong các nghi thức quan trọng như dâng thần, trong dịp lễ, tết, hội tề, nơi thể hiện tình cảm gắn bó gia đình, làng xóm thông qua những chén rượu. Với những tiềm năng du lịch, Ba Tri sẽ là địa chỉ khai thác du lịch hiệu quả từ di tích văn hóa - lịch sử, tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm vùng ngập mặn Ba Tri. Ngoài ra, Ba Tri còn có di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia "Nhà ông Nguyễn Văn Cung và Ngã ba Cây Da Đôi" - nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch về nguồn.
Làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề bánh phồng Phú Ngãi, nơi làm nên những chiếc bánh phồng mang đậm hương vị quê hương với hơn 100 hộ tham gia sản xuất; nghề sản xuất muối Bảo Thạnh hay làng nghề cá khô An Thủy với địa danh Tiệm Tôm nổi tiếng cùng các hải sản tươi ngon. Tất cả đã góp phần phong phú sản phẩm ngắm vào tầm nhìn của các hãng lữ hành; là cơ hội cho các hộ dân đầu tư vào loại hình du lịch homestay. Kết hợp những rẫy hoa màu (dưa hấu, đậu, khoai, sắn) của người dân nơi đây gắn bó với những dãy đất giồng sẽ là sản phẩm tiềm năng du lịch cho loại hình du lịch cộng đồng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Ba Tri phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá biển với các chương trình như: Một ngày làm nông dân, khai thác nghêu, trồng hoa màu. Hiện nay, Ba Tri có những bãi biển đẹp có tiềm năng phát triển du lịch như: Bãi Ngao, cồn Tròn, cồn Hố, cồn Nhàn. Ngoài ra, nơi đây có những khu rừng ngập mặn ven biển như đước, mắm, bần; có nhiều loại thủy hải sản ngon, phong phú, tạo nên sự đa dạng trong ẩm thực xứ biển; cần xác định là thế mạnh để giữ chân khách dài ngày.
Với ưu thế phát triển kết hợp nhiều loại hình du lịch như vậy, ngoài việc nổ lực của chính quyền địa phương thì các công ty du lịch tại Bến Tre cũng đã tập trung góp sức để xây dựng, khai thác các chương trình tham quan tại huyện Ba Tri với đa dạng sản phẩm trong tour du lịch của vùng đất biển.
Theo các nhà kinh doanh du lịch, muốn hướng du lịch phát triển bền vững nhất thiết phải gắn kết với văn hóa và quảng bá văn hóa. Việc khai thác phát triển sản phẩm du lịch gắn với hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, làng nghề, du lịch biển và con người Ba Tri được xem là giải pháp cơ bản để Ba Tri làm mới mình, ngày càng hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn