Đẩy mạnh truyền thông Việt Nam an toàn, tận dụng cơ hội cơ cấu lại ngành du lịch

Thứ sáu - 22/05/2020 08:05
Đẩy mạnh truyền thông Việt Nam an toàn, tận dụng cơ hội cơ cấu lại ngành du lịch

Thứ trưởng Lê Quang Tùng: Đẩy mạnh truyền thông Việt Nam an toàn, tận dụng cơ hội cơ cấu lại ngành du lịch

 

TITC) - Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19” khép lại sau hơn 4 tiếng thảo luận không nghỉ, thu hút hàng chục ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú, tổ chức quốc tế… các chuyên gia trong ngành.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên và Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình.

TT LeQuangTung

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VnExpress)

Hội nghị có chung nhận định sau dịch Covid-19 là cơ hội phục hồi và tăng trưởng hoạt động kinh tế nói chung, trong đó có du lịch. Đồng thời nhấn mạnh tình hình thế giới đã thay đổi sau dịch, các hoạt động cần được thiết lập trong điều kiện bình thường mới. Từ đó đặt ra yêu cầu cần chủ động cơ cấu lại hoạt động ngành du lịch phù hợp với bối cảnh mới.

Hội nghị đã tập trung thảo luận kỹ về các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa, từ việc cần đẩy mạnh truyền thông về thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch, điểm đến Việt Nam an toàn, chuẩn hóa du lịch an toàn, cho tới cần thu hút thêm nhiều đối tượng khách như người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam, những người dân Việt Nam chưa thể đi du lịch nước ngoài. Có ý kiến đề nghị cần phối hợp với ngành giáo dục đề xuất thời gian nghỉ hè phù hợp cho học sinh, sinh viên để kích cầu du lịch đối với các gia đình. Có đại biểu đề nghị cần hình thành một số tam giác phát triển giữa các địa phương để tạo thuận lợi cho việc liên kết xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm liên tuyến.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất do du lịch là một ngành kinh tế đặc thù nên cần có các chính sách hỗ trợ riêng, liên quan đến miễn giảm thuế, phí… Đồng thời, đề xuất Nhà nước tăng cường đầu tư cải thiện hạ tầng, cảnh quan công cộng hỗ trợ du lịch.

Lãnh đạo các tập đoàn đều bày tỏ mong muốn và sẵn sàng hợp tác, liên kết để cùng đưa ra các gói kích cầu du lịch nội địa, tạo thành tổ hợp sản phẩm hoàn chỉnh phục vụ khách, từ hàng không, lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí,… Đồng thời, cam kết đồng hành cùng ngành du lịch để triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch.

Đối với việc mở lại thị trường du lịch quốc tế, các đại biểu thống nhất quan điểm cần truyền thông mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam an toàn trên thế giới, chỉ đón những thị trường khách an toàn, tránh lây dịch ở Việt Nam và cần duy trì sự an toàn ở trong nước để làm cơ sở cho phục hồi hoạt động du lịch.

Nhiều ý kiến cho rằng cần lựa chọn trước một số thị trường đã kiểm soát tốt dịch, tìm kiếm các thỏa thuận song phương trên cơ sở bảo đảm các tiêu chí về an toàn, phân định rõ ràng trách nhiệm của quốc gia xuất phát, quốc gia điểm đến. Vấn đề về thị thực cũng được các đại biểu tập trung thảo luận, trong đó nhiều ý kiến đề xuất về việc phục hồi miễn thị thực, mở rộng diện miễn thị thực, tăng thời gian miễn thị thực. Chuẩn bị tốt việc cung cấp thông tin tới khách quốc tế, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc mở cửa trở lại.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh cần thay đổi khái niệm về thị trường trọng điểm trong giai đoạn này vì giờ đây yếu tố an toàn đã trở thành ưu tiên hàng đầu, thay vì quy mô, chất lượng như trước đây.

Hoinghi

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự hội nghị

Đánh giá cao các ý kiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng nhất trí rằng sau dịch Covid-19 là cơ hội cơ cấu lại ngành du lịch, từ hoạt động quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mục tiêu, cho tới xây dựng sản phẩm phù hợp.

Để đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa và chuẩn bị cho việc mở lại du lịch quốc tế thì yếu tố quan trọng là truyền thông mạnh mẽ về điểm đến Việt Nam an toàn ở trong nước và trên thế giới.

Thứ trưởng đánh giá cao những cam kết của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn luôn sẵn sàng hợp tác, liên kết, đồng hành để phục hồi du lịch. Thứ trưởng cũng đề nghị các chương trình liên kết, kích cầu cần chú ý tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là đối tượng dễ bị tổn thương trong khủng hoảng.

Thứ trưởng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL nghiên cứu đề xuất thời điểm, nguyên tắc, cách thức mở dần du lịch quốc tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Những ý kiến rất tốt của đại biểu về việc lựa chọn thị trường, thỏa thuận song phương, miễn thị thực…, cũng như các đề xuất về việc hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được Bộ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp liên ngành của các cơ quan quản lý nhà nước như ngoại giao, vận tải, y tế, công an, biên phòng…

Về cơ chế liên kết, hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, Tổng cục Du lịch sẽ đứng ra điều phối việc triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, kích cầu, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp thực hiện để đạt hiệu quả cao.

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Tùng tin tưởng với quyết tâm mạnh mẽ toàn ngành sẽ nỗ lực vượt qua được khó khăn, thách thức, triển khai hiệu quả các hoạt động phục hồi du lịch hậu Covid-19, cùng nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho du lịch tăng trưởng trong bối cảnh mới./.


Truyền Phương

Nguồn: 
http://vietnamtourism.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[X]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây