Bến Tre xây dựng điểm đến hấp dẫn

Thứ tư - 10/05/2017 15:07
Du lịch Bến Tre thời gian gần đây mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về lượng khách lẫn doanh thu. Đây sẽ là điều kiện tạo đà cho du lịch Bến Tre tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Bến Tre xây dựng điểm đến hấp dẫn
Bến Tre xây dựng điểm đến hấp dẫn

Tiềm năng du lịch lớn

btd2 700x394

Bảo Tàng Dừa Bến Tre

Với lợi thế có điều kiện thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, miệt vườn trù phú, nhiều di tích văn hóa – lịch sử, làng nghề truyền thống, lễ hội đa dạng, nhiều sản phẩm nổi tiếng, con người nhân hậu và nghĩa tình làm cho Bến Tre đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước.

Nhằm tiếp tục đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bến Tre đã không ngừng xây dựng điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn. Theo ông Trần Duy Phương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bến Tre đang thực hiện quy hoạch phát triển du lịch theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng. Chỉ thị 09-CT/TU của Tỉnh ủy Bến Tre đã xác định: “Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của Bến Tre. Năm 2015, Bến Tre phấn đấu thu hút 440 ngàn lượt khách quốc tế và 560 ngàn lượt khách nội địa đến tham quan du lịch tại tỉnh. Phấn đấu đạt doanh thu du lịch 700 tỷ đồng và đến năm 2020 thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng”.

Để đạt mục tiêu này, ngành chức năng của tỉnh đang xây dựng các giải pháp đồng bộ khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng xã hội có tác động trực tiếp đến phát triển du lịch; quy hoạch các vùng du lịch để tạo động lực thu hút và thực hiện các dự án cơ sở vật chất, kỹ thuật, gắn du lịch với cộng đồng, và xây dựng nông thôn mới.

P1240288 700x525

Điểm du lịch Bến Tre

Với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng và hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng, Bến Tre có điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch đặc trưng như: Du lịch sông nước miệt vườn, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề.

Trong những năm tới Bến Tre tiếp tục phát triển du lịch xanh gắn với việc bảo tồn các di sản văn hóa và bảo vệ môi trường. Trong đó loại hình du lịch sông nước miệt vườn gắn với văn hóa bản địa được tập trung khai thác một cách bền vững. Qua đó, giảm dần tính mùa vụ và ngày càng có thêm nhiều lựa chọn cho du khách như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội truyền thống.

Từ những đặc điểm nổi bật đó đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao như: Tour khám phá tứ linh “Long, Lân, Quy, Phụng” trải nghiệm sông nước Bến Tre; tour tham quan các di tích văn hóa – lịch sử gắn với các làng nghề truyền thống; trải nghiệm du lịch miệt vườn; du lịch biển cồn Bửng (Thạnh Phú)du lịch homestay (nghỉ tại nhà dân), du lịch cộng đồng, du lịch mùa lễ hội.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bến Tre có gần 20 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch, trong đó có 05 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 15 doanh nghiệp lữ hành nội địa, gần 70 điểm du lịch sinh thái vườn tập trung ở các huyện Châu Thành, Giồng TrômChợ Lách và TP Bến Tre; 20 điểm du lịch homestay (nghỉ tại nhà dân), 68 cơ sở lưu trú du lịch.

Một số cơ sở lưu trú chất lượng, dịch vụ cao đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, được xếp hạng từ 3 đến 4 sao như: Khách sạn Dừa (Coconut Hotel), Khách sạn Việt Úc (VietUc Hotel), Khách sạn Hàm Luông (Ham Luong Hotel), Khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort; một số các khách sạn như: Nhà khách Bến Tre, Khách sạn Hùng Vương, Khách sạn Sao Mai, Khách sạn Đại An, Khách sạn Oasis Kiwi, Khách sạn Hoài Phú, Khách sạn Đông Nam Á,… cũng góp phần phục vụ du khách với chất lượng cao.

Hoạt động kinh doanh vận tải cũng đáp ứng được một phần không nhỏ trong việc đi lại của khách du lịch.

Điểm du lịch văn hoá, ẩm thực Ba Cây Dừa (xã An Khánh, Châu Thành) sẽ tạo nên điểm nhấn mới cho du lịch sông nước Châu Thành.

Ông Lê Văn Luông – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bến Tre cho biết: “Bến Tre đang tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển du lịch, công tác thông tin, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh không ngừng được nâng cao thông qua việc biên soạn ấn phẩm, phim ảnh du lịch, xúc tiến trong các kỳ hội chợ du lịch trong nước và quốc tế tổ chức tại Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong tỉnh các thông tin, cung cấp các sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết cụm du lịch và liên kết vùng. Mục đích là nâng tầm thương hiệu cho du lịch Bến Tre trong khu vực, là một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch trong nước và quốc tế”.

Nếu tỉnh biết tận dụng các lợi thế sẵn có thì du lịch Bến Tre sẽ là một trong những thương hiệu du lịch lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Gắn bảo vệ môi trường với hoạt động du lịch

Cùng với hoạt động du lịch là việc nâng cao chất lượng môi trường du lịch, bảo đảm môi trường an toàn, thân thiện, văn minh, lịch sự cho du khách. Để làm được điều này đòi hỏi công tác quản lý môi trường tại các khu, điểm du lịch phải được đặt lên hàng đầu. Thực tế, những năm vừa qua, tình trạng môi trường, cảnh quan thiên nhiên bị ô nhiễm, bị xâm hại; rác thải tại các điểm du lịch ở các điểm nhà vườn, và một số tuyến đường chưa được thu gom và  xử lý kịp thời.

Công tác an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho du khách vẫn còn một số hạn chế. Tình trạng chèo kéo, bán hàng rong, đeo bám du khách vẫn tồn tại. Một số cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn chưa có bảng niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, nói thách, tăng giá bất hợp lý làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Bến Tre.

Đang mùa cao điểm của du lịch Bến Tre, lượng khách trong nước và quốc tế tăng cao trong dịp này nên ngành du lịch và các ngành chức năng liên quan đang đưa ra những giải pháp tuyên truyền trong công tác quản lý môi trường du lịch, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết, chèn ép khách du lịch.

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tính mạng và tài sản cho du khách; thiết lập đường giây nóng để tiếp nhận, giải quyết và phản hồi thông tin kịp thời đến du khách, cung cấp thông tin cho du khách về các điểm đến và các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh cần được quan tâm thường xuyên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch cho cấp quản lý, nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục được tăng cường.

Công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai một cách đồng bộ, tích cực theo hướng chuyên nghiệp, mở thêm nhiều tour tuyến du lịch mới, chú trọng khai thác các loại hình du lịch mới như du lịch cộng đồng, du lịch chia sẻ mầm yêu thương, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, xúc tiến mời gọi các dự án đầu tư du lịch tại các huyện có tiềm năng phát triển du lịch, các khu vui chơi giải trí, mua sắm nhằm thu hút du khách.

Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Bến Tre cũng đang có những hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao vai trò của mình trong việc làm cầu nối cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh, kết nối doanh nghiệp du lịch trong tỉnh với doanh nghiệp du lịch ngoài tỉnh và khu vực.

Có thể nói, ngoài tài nguyên phong phú do thiên nhiên ban tặng, văn hóa bản địa độc đáo, ẩm thực đa dạng mang nhiều hương vị riêng, con người hiền hòa và mến khách, giao thông thuận lợi, sản phẩm du lịch đặc trưng thì yếu tố môi trường, giá cả, an toàn du lịch có tính quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch Bến Tre. Vì vậy, cùng với sự phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ của các cơ quan chuyên môn, các ngành hữu quan, doanh nghiệp thì cần có sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội trong việc xây dựng hình ảnh du lịch Bến Tre, quê hương Đồng Khởi anh hùng ngày càng hấp dẫn, thân thiện và an toàn, tạo sự an tâm, tin cậy cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến Bến Tre.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
[X]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây