Bến Tre khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Chim

Thứ tư - 27/05/2020 15:15
Bến Tre khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại Cồn Chim

Ngày 22 tháng 5 vừa qua, thực hiện kế hoạch hoạt động xúc tiến du lịch năm 2020, Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh Bến Tre phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức Đoàn khảo sát nghiên cứu mô hình du lịch tại Cồn Chim - Trà Vinh nhằm trải nghiệm và học tập xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; kết nối tour, tuyến sản phẩm du lịch Bến Tre - Trà Vinh. Chuyến khảo sát lần này, với đối tượng tham dự là đại diện doanh nghiệp lữ hành, đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo chính quyền của Cồn Hưng Phong và Thành Long cùng Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin các huyện trong tỉnh. Đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi giữa các địa phương về tiềm năng và thế mạnh du lịch của tỉnh Bến Tre và Trà Vinh.

Đoàn Khảo sát đã tham quan điểm vườn dừa kiểu mẫu của ông Đoàn Văn Mười và Lăng Ông Thủy tướng Cồn Thành Long tại xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những vườn dừa tiêu biểu với môi trường tự nhiên trong lành, là điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến tham quan, đồng thời nơi đây thuận tiện cho việc kết nối tuyến du lịch giữa tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh. Sau khi tham quan Cồn Thành Long, Đoàn lên tàu xuôi dòng Cổ Chiên đến Cù Lao Long Trị để đến với Cồn Chim xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

KHAO SAT CON CHIM TRA VINH 2652020 (2)

 

Đoàn Khảo sát về Cồn Chim học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng (ảnh:XTDL)

Cồn Chim là vùng đất hoang hóa, địa hình từ trên cao nhìn xuống có hình con chim hạc nên có tên gọi là Cồn Chim. Người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp, thuận theo 6 tháng nước mặn thì nuôi hải sản như: tôm sú, cua biển, tôm thẻ,… 6 tháng nước ngọt, người dân trồng lúa. Năm 2014,  người dân Cồn Chim thực hiện Quy ước bảo vệ rừng và quản lý nguồn lợi thủy sản, dựa theo tự nhiên để đánh bắt theo mùa, từ tháng 7 đến tháng 12 âm lịch được khai thác và cũng chỉ người dân Cồn Chim mới được phép đánh bắt, cấm các thuyền ghe đến cào, xẹt điện làm ảnh hưởng nguồn thủy sản tự nhiên. Từ đó, các loài tôm cá về trú ngụ nhiều nên môi trường nơi đây phát triển theo hướng bền vững.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Trà Vinh về định hướng phát triển đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh và Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế Du lịch Việt Nam đã hướng dẫn cho Cồn Chim xây dựng mô hình du lịch cộng đồng theo hướng bền vững của tỉnh. Ngày 9 tháng 9 năm 2019, Cồn Chim chính thức ra mắt du lịch cộng đồng, là điểm du lịch mới đã và đang gặt hái được nhiều thành công.

KHAO SAT CON CHIM TRA VINH 2652020 (3)

 

Đoàn khảo sát trải nghiệm trò chơi đua cua (Ảnh: XTDL)

KHAO SAT CON CHIM TRA VINH 2652020 (1)

 

Sự nhiệt tình và tấm lòng hiếu khách là một trong những yếu làm nên sự thành công của du lịch cộng đồng tại Cồn Chim (Ảnh: XTDL)

Nét nổi bậc du lịch của du lịch cộng đồng nơi đây chính là các sản phẩm du lịch không trùng lắp nhau, người dân đồng lòng cùng làm du lịch, sử dụng những gì sẵn có từ tự nhiên, sạch để phục vụ du khách, không sử dụng chất thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp là hướng phát triển bền vững mà Bến Tre đang hướng đến nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sự thành công của chuyến khảo sát lần này góp phần học hỏi và đúc kết những kinh nghiệm làm cơ sở cho các địa phương trong tỉnh có cách nhìn  hướng đến phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp từ văn hóa bản địa của từng địa phương trong tỉnh, nhất là phát triển du lịch đặc trưng tại các cồn hiện có để góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, phát huy các tiềm năng thương xứng với thế mạnh của vùng nhằm góp phần nâng cao thương hiệu Du lịch "sinh thái Xứ Dừa"./.
 

Nguồn: https://dulich.bentre.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

[X]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây