Một góc cồn Thành Long nối ra sông Cổ Chiên.
Màu xanh phủ khắp cồn
Cồn Thành Long (còn gọi là cồn Lớn) có diện tích 111,2ha, được hợp thành bởi 5 cồn (cồn Nẩy, cồn Cát, cồn Chen, cồn Bà Hiền, cồn Bà Lành), nằm cặp tuyến sông Cổ Chiên với chiều dài 3,77km, từng được xem là nơi heo hút, đất rộng người thưa. Từ khi có cầu Cổ Chiên nối liền Bến Tre - Trà Vinh, cồn Thành Long dần thay đổi diện mạo. Tuy vậy, người dân xứ cồn vẫn giữ được nhịp sống bình dị từ cách ăn, mặc đến thói quen hằng ngày.
Nhờ phù sa sông Cổ Chiên bồi đắp, những vườn dừa xanh mát, vườn cây ăn trái như táo, nhãn sinh trưởng tốt, ít dùng phân thuốc. Môi trường nơi đây vẫn giữ được vẻ trong lành, mát mẻ và hoang sơ. Đi dạo một vòng trên cồn Chen, chúng tôi không thấy bóng dáng rác thải công nghiệp. Trưởng ấp Thành Long Võ Văn Hưng cho hay, người dân trên cồn không có thói quen vứt rác bừa bãi, họ được hướng dẫn đào hố chôn rác, đốt rác. Cô Bùi Thị Bé Năm, người dân sống trên cồn Chen nói: “Nơi đây rất yên bình, cây cối sinh trưởng tốt nên tôi đã chọn nơi đây sinh sống từ năm 1975 đến nay. Nếu nơi đây trở thành điểm du lịch, người dân chúng tôi rất ủng hộ, chúng tôi muốn giới thiệu cảnh đẹp này để nhiều người cùng tận hưởng”.
Trước đây, cứ đến mùa nước lên hoặc triều cường, cồn Thành Long lại ngập nước mênh mông, dân cư phải di chuyển bằng xuồng từ nhà này sang nhà khác. Bao đời người dân cồn Thành Long sống cách trở với đất liền nên thói quen tự cung tự cấp thực phẩm đã đi vào nếp sinh hoạt hằng ngày.
Năm 2008, khi đê bao khép kín hoàn chỉnh, người dân trên cồn vẫn giữ thói quen tự sản xuất thực phẩm và phát huy thêm. Nhờ đất rộng, người thưa nên mỗi nhà đều dành phần đất để trồng rau, nuôi gà, vịt, thả cá. Người dân ở đây cho biết, nhờ thiên nhiên ưu đãi, nguồn cá sông luôn dồi dào như cá mè, cá dứa, những con cá to như bông lau, cá ngát cũng dễ dàng câu được từ sông Cổ Chiên; những con rạch dẫn nước cũng mang theo lượng tôm tự nhiên vào. Bên cạnh đó, xung quanh cồn Chen, cây bần mọc sát mé sông rất nhiều nên món ăn đặc trưng để đãi khách ở đây là canh chua bần nấu với cá bông lau, cá ngát. Mùa mưa, vườn dừa nhiều nấm mối mọc, chim chóc rất dạn người, chúng vẫn thường sà đến tranh giành thức ăn cùng bầy gà, vịt của người dân.
Ông Võ Văn Hưng - Trưởng ấp Thành Long cho hay, khi không còn cảnh nước ngập hàng năm, hầu hết nhà cửa của người dân trên cồn đều được xây dựng kiên cố, khang trang. Nhà nào cũng nuôi gà vườn, thả cá như cá rô phi, cá mè, tai tượng, trám cỏ, cá tra, rau sạch thì mọc khắp nơi trong vườn, lương thực ở đây rất dồi dào và đều là thực phẩm sạch do người dân tự sản xuất để ăn.
Tiềm năng du lịch
Cồn Thành Long nằm bên chân cầu Cổ Chiên, rất thuận tiện trong giao thông kết nối với các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long. Khi cầu Đại Ngãi được xây dựng sẽ khai thông tuyến quốc lộ 60, kết nối các tỉnh duyên hải như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương thuận lợi giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với Đông Nam Bộ, rút ngắn khoảng cách từ TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau, giảm ùn tắc giao thông, phát huy hiệu quả của các dự án cầu lớn đã được đầu tư trên tuyến quốc lộ 60… Cồn Thành Long có thể trở thành một địa điểm dừng chân nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách.
Tuy nhiên, phía chính quyền xã Thành Thới A còn băn khoăn với hiện trạng giao thông nông thôn ở cồn rất khó khăn. Các tuyến đường giao thông được xây dựng từ năm 2001 đến nay có chiều rộng mặt đường hẹp, đã xuống cấp khá trầm trọng, hư hỏng nhiều. Ông Võ Văn Út - Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam bày tỏ: “Huyện đã có chủ trương làm quy hoạch cồn Thành Long và mời gọi đầu tư phát triển cồn Thành Long trở thành điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đầu tiên trên địa bàn huyện”.
“Cồn Thành Long có vườn dừa rất đẹp, thích hợp phát triển du lịch cộng đồng, homestay gắn với du lịch tỉnh Trà Vinh rất thuận tiện, đồng thời nơi đây còn có điều kiện trở thành điểm nghỉ dưỡng đẹp…”, ông Trần Duy Phương - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn