Châu Đốc là thành phố lớn của An Giang, nằm gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Đây là vùng đất có sự giao thoa văn hóa của người dân tộc Kinh, Chăm và Khmer với thiên nhiên trù phú, những câu chuyện tâm linh,̀ đặc trưng cuộc sống sông nước.
Tháng 9 đến tháng 11, mùa nước nổi, là thời điểm đẹp nhất để tới thăm các địa danh ở Châu Đốc.
Ngày 1
Buổi sáng
Ăn sáng với món bún cá lóc đồng trứ danh Châu Đốc. Món ăn có nước dùng đậm, thơm mùi mắm ruốc, sả, ớt, tỏi và màu vàng của nghệ tươi. Nếu thích ăn đầu cá, du khách có thể gọi riêng. Các đồ ăn kèm mang đặc trưng miền Tây như bông điên điển, bông súng, rau đắng, bắp chuối, rau muống bào, giá. Nhiều thực khách ăn kèm cả thịt lợn quay hay chả.
Một số địa chỉ tham khảo: Bún cá Bé Hai, bún cá Châu Đốc cô Nga, Bún cá vòng xuyến trên đường Phan Đình Phùng. Mỗi bát bún dao động từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng, chưa bao gồm các đồ ăn kèm.
Làng bè trên sông Hậu. Ảnh: Nhật Minh
Đi thuyền trên sông Hậu thăm làng bè sắc màu là trải nghiệm mới nhất tại Châu Đốc. Từ giữa tháng 9, nhờ một dự án cộng đồng, 161 lồng bè nuôi cá trải dài hơn 1 km được phủ sắc màu như đỏ, vàng, cam, lục, lam, tím. Giai đoạn 1 có khoảng 80 bè đã hoàn thành. Làng bè nằm trên tuyến tham quan tìm hiểu, trải nghiệm đời sống sông nước và văn hóa cộng đồng người Chăm ở An Giang. Bạn có thể dừng lại mua đồ lưu niệm, xem cách nuôi cá, trải nghiệm cuộc sống ngư dân...
Điểm đến khác ngay gần bến thuyền ven sông Hậu là tượng đài cá basa. Công trình tôn vinh loài cá gắn liền với cuộc sống và ca ngợi chính những ngư dân đã thuần dưỡng cá cũng như các loại thủy sản khác để đem lại cuộc sống ấm no.
Gần trưa, nếu muốn biết Châu Đốc có gì, bạn nhất định phải ghé chợ trung tâm. Chợ mở cửa từ 5h30 đến 18h hàng ngày, có đủ các mặt hàng từ thực phẩm đến các món quà lưu niệm, quần áo theo phong cách truyền thống của người Khmer hay đặc sản An Giang. Một điểm nổi bật trong chợ là quầy mắm bắt mắt và "bắt mùi".
Ăn trưa tại một trong những nhà hàng nổi tiếng với các món miền Tây. Một số địa chỉ tham khảo gồm: quán ăn Bảy Đồng, quán Đồng Quê, nhà hàng Hồng Phát.
Tượng cá basa ở trung tâm thành phố. Ảnh: Linh Hương
Bún cá ven chợ Châu Đốc. Ảnh: Linh Hương
Lẩu cá bông điên điển. Ảnh: Linh Hương
Khu mắm trong chợ trung tâm. Ảnh: Linh Hương
Tượng cá basa ở trung tâm thành phố. Ảnh: Linh Hương
Bún cá ven chợ Châu Đốc. Ảnh: Linh Hương
Buổi chiều
Đã đến Châu Đốc thì không thể bỏ qua núi Sam, với miếu Bà Chúa Xứ. Đây là điểm đến hút nhiều khách du lịch tới An Giang, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km. Vào dịp đầu năm mới và những ngày rằm hay mùng 1, nơi đây luôn đông khách tứ xứ tới thăm. Với không gian linh thiêng và uy nghiêm, Miếu Bà là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Thời gian lưu lại ở miếu Bà tùy thuộc nhu cầu của bạn, chỉ là vãn cảnh hay đi lễ và những trải nghiệm khác.
Cuối chiều, ngắm hoàng hôn từ đỉnh núi Sam là trải nghiệm tiếp theo. Nơi đây được coi là một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bởi tầm nhìn rộng, bên dưới là cánh đồng lúa.
Hoàng hôn núi Sam. Ảnh: Linh Hương
Đường lên núi Sam tuy dốc nhưng khá dễ đi. Bạn nên có mặt trước 16h30 để không bỏ lỡ khoảnh khắc hoàng hôn. Ở đỉnh núi Sam, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm leo núi cũng như hít thở bầu không khí trong lành.
Ăn tối tại nhà hàng Lá Giang trên đỉnh núi Sam với menu buffet và quay về Châu Đốc.
Hãy dạo phố đêm với món chè bưởi Mỹ Vân ở xe chè di động đầu đường Trưng Nữ Vương. Đây là quán ăn vặt được người dân địa phương gợi ý. Giá mỗi món chè từ 10.000 đồng đến 25.000 đồng. Nghỉ đêm tại khách sạn Victoria ở trung tâm thành phố Châu Đốc, với tầm nhìn hướng thẳng ngã ba sông Hậu, gần chợ Châu Đốc và thuận tiện đi lại.
Ngày 2
Buổi sáng và trưa
Ăn sáng ở Châu Đốc với hủ tiếu, bún mắm hay bún suông ở các hàng ăn dọc bến sông Hậu và chợ Châu Đốc.
Khởi hành đi rừng tràm Trà Sư. Đây là điểm "phải đến" khi tới An Giang, đặc biệt trong mùa nước nổi. Thời gian di chuyển từ trung tâm thành phố Châu Đốc tới rừng khoảng 30-40 phút. Du khách sẽ mua vé vào cổng 100.000 đồng một người.
Dạo bộ trên cầu tre đem lại cảm giác thư thái. Ảnh: Linh Hương
Sẽ có hai hình thức trải nghiệm. Nếu ít thời gian hoặc chỉ muốn check in, bạn chỉ cần mua vé vào cửa 100.000 đồng và 50.000 đồng một lượt đi thuyền máy trong khoảng 30 phút.
Còn nếu bạn là người yêu thích khám phá thiên nhiên, hãy dành tối đa thời gian tại đây, từ sáng tới chiều. Bạn nên trải nghiệm đi bộ trên cầu tre dài nhất Việt Nam dẫn vào trung tâm rừng. Tốt nhất, hãy đi bộ cầu tre một lượt, sau đó chuyển sang thuyền máy để đi được nhiều và xa hơn trong rừng. Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến hệ động thực vật quý hiếm. Bạn có thể yêu cầu người lái thuyền dừng lại để cảm nhận rõ không gian tĩnh lặng.
Lên lầu vọng cảnh ngắm toàn bộ không gian rừng tràm Trà Sư bằng kính viễn vọng 25 km để có tầm nhìn bao quát hơn về toàn bộ khu rừng "đáng giá" này của miền Tây. Lầu vọng cảnh nằm trong khuôn viên nhà hàng Trà Sư, nên kết hợp dừng chân tại đây thưởng thức bữa trưa.
Các món ngon và nổi bật có cá lóc nướng, lẩu cá linh bông điên điển, cá linh chiên giòn, lẩu mắm, gỏi cổ hũ dừa, bánh xèo. Nhà hàng nằm trong khuôn viên xanh mát, với những luống hoa điên điển mọc cao xung quanh.
Buổi chiều
Thuyển chèo tay đi ở khu vực những con rạch nhỏ. Ảnh: Linh Hương
Trở lại rừng tràm bằng xuồng ba lá. Sau khi đã trải nghiệm thuyền máy và đi bộ trên cầu, chuyển tiếp sang xuồng ba lá, bạn sẽ đi chặng ngắn hơn, len lỏi vào nhưng con rạch nhỏ. Thời điểm buổi chiều cũng là lúc các loại chim, cò... trở về rừng khá đông. Việc ngồi xuồng và đi chầm chậm sẽ giúp du khách cảm nhận được rõ nhất thiên nhiên yên bình trong rừng Tràm.
Trở lại thành phố Châu Đốc khoảng 16h.
Ngoài lịch trình trên, du khách có thể chọn các điểm đến thay thế như: Làng người Chăm Châu Phong dọc sông Hậu, nhà thờ Hồi giáo Châu Phong, xưởng dệt vải, chùa Hang (Phước Điền Tự).
Những tin cũ hơn